Tại buổi góp ý dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 10-9, nhiều ý kiến không đồng tình với quy định ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế.
Chồng chéo, bất hợp lý
Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi quy định: Ngân hàng thương mại phải trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế; phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng quy định trên có nhiều mâu thuẫn với các quy định hiện hành. Cụ thể, quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phòng, chống rửa tiền và các quy định khác nêu rõ: Các ngân hàng thương mại chỉ có thể chuyển tiền nếu nhận được văn bản cưỡng chế thuế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trong thời hạn cưỡng chế thuế, tài khoản của khách hàng còn tiền mà không bị phong tỏa bởi các bên cầm cố, thế chấp.
Bên cạnh đó, khi hết thời hạn thi hành cưỡng chế thuế, tài khoản của khách hàng phát sinh tiền thì ngân hàng thương mại cũng không thể chuyển tiền cho ngân sách nhà nước.
Từ phân tích trên, đại diện VCCI đề nghị dự thảo Luật Quản lý thuế phải thống nhất với quy định của pháp luật ngân hàng.
Dự thảo Luật Quản lý thuế cũng quy định: Trường hợp người nộp thuế có bảo lãnh nhưng người nộp thuế không nộp thuế, tiền chậm nộp… đúng thời hạn quy định thì ngân hàng thương mại là đơn vị bảo lãnh phải chịu trách nhiệm nộp thuế đúng thời hạn quy định thay cho người nộp thuế.
VCCI cho rằng xuất phát từ nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước thì các tổ chức tín dụng chỉ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong các trường hợp như: Yêu cầu thực hiện bảo lãnh nằm trong thời hạn thực hiện bảo lãnh theo chứng thư bảo lãnh và số tiền bảo lãnh nằm trong số tiền bảo lãnh theo chứng thư bảo lãnh.
Do vậy, VCCI đề xuất ban soạn thảo xem xét và chỉnh sửa để thể hiện đúng bản chất của bảo lãnh thuế, dưới góc độ là nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng, theo hướng ngân hàng thương mại bảo lãnh trong phạm vi hợp đồng bảo lãnh.
Các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng quy định ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế là bất hợp lý. Ảnh: QUANG HUY |
Vi phạm quy định bảo mật thông tin
Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi cũng nêu rõ: Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế. Các thông tin này bao gồm thông tin về mở tài khoản, số tài khoản, nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, mã số thuế của người nộp thuế.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đánh giá rằng quy định trên là chưa hợp lý. Vì Luật Các tổ chức tín dụng hiện quy định chỉ cung cấp những thông tin trên cho viện kiểm sát, tòa án, cơ quan công an đang điều tra vụ án. Thậm chí ngân hàng có quyền từ chối yêu cầu cung cấp nếu chưa khởi tố vụ án.
"Tôi cho rằng trong một số trường hợp việc cung cấp thông tin của người nộp thuế để phục vụ, bảo đảm thực hiện trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp (DN) là hợp lý. Nhưng phải quy định rõ việc cơ quan thuế được yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp ở mức độ nào, nếu không sẽ dẫn đến sự lạm quyền và làm lộ thông tin của khách hàng. Để tránh sự tùy tiện, trong các văn bản dưới luật nên quy định cụ thể những trường hợp phải cung cấp thông tin khi ngành thuế yêu cầu" - ông Châu nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện VCCI cũng nhận xét quy định này là chưa bảo đảm tính minh bạch ở chỗ không rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp các thông tin này và căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì. Nếu quy định mở như dự thảo luật thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế.
Cán bộ thuế phải biết tiếng AnhVề vấn đề chống chuyển giá, cán bộ thuế nên có trình độ nhất định về ngoại ngữ là tiếng Anh. Từ đó mới có thể nắm bắt tốt những thông tin thuế, kiểm tra được những thủ đoạn chuyển giá, trốn thuế của một số DN đầu tư nước ngoài. Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch HoREA |
Giảm rủi ro bị truy thu thuế dẫn đến phá sản
Hiện nay luật quy định các khoản nợ thuế đã quá hạn 10 năm và cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả biện pháp cưỡng chế thì được xóa nợ thuế.Nhiều chuyên gia lẫn DN cho rằng quy định thời hạn 10 năm mới được xóa nợ thuế là quá dài. Kinh nghiệm các nước thường áp dụng trong khoảng thời gian ba năm.
Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội DN TP.HCM, nêu thực tế hiện nay cộng đồng DN gặp nhiều áp lực rủi ro khi cơ quan thuế không kiểm tra quyết toán thuế hằng năm; đồng thời việc áp mã hàng hóa thu thuế không nhất quán, nay áp mã này, mai áp mã khác dẫn đến rủi ro lớn cho DN.
Thậm chí có những DN làm ăn chân chính vẫn có thể gặp rủi ro bị truy thu thuế, phạt thuế với số tiền lớn dẫn đến ngừng hoạt động, phá sản nếu nhiều năm không thực hiện truy thu quyết toán thuế.
Vì vậy, ông Tuệ đề nghị trong Luật Quản lý thuế sửa đổi nên có quy định cơ quan thuế phải có trách nhiệm kiểm tra quyết toán thuế hằng năm cho DN. Nếu quá thời hạn ba năm thì cơ quan thuế không được quyền truy thu thuế DN nữa.
Xóa bỏ "luật cưa đôi"Theo quy định hiện nay, một cán bộ thuế có thể được giao quản lý hàng trăm hộ kinh doanh. Điều này dẫn đến tình trạng thương lượng khoán thuế và không tránh khỏi những tiêu cực, đi đêm hay "luật cưa đôi". Vì vậy nên quy định trong dự thảo Luật Quản lý thuế, các hộ kinh doanh cá thể tự kê khai, tự nộp thuế. Quy định như vậy là tôn trọng quyền nộp thuế của các hộ kinh doanh. Điều này không ảnh hưởng đến thu ngân sách của các địa phương, đồng thời xóa bỏ được "luật cưa đôi", giảm tiêu cực. Ông NGUYỄN ĐÌNH TUỆ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét